Ngữ pháp

Cách đọc bảng phiên âm tiếng Trung chi tiết nhất

Bảng phiên âm tiếng Trung (hay còn gọi là phiên âm Pinyin – bảng chữ cái Latinh) dành riêng cho việc học tiếng Trung. Bảng phiên âm tiếng Trung dành cho việc phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc.

Ý nghĩa của bảng phiên âm tiếng Trung là giúp cho người học không bị choáng ngợp bởi hệ thống chữ viết Trung Quốc, nhanh chóng tiếp thu được với tiếng Trung. Hãy cùng Trung Tâm Ngoại Ngữ Hà Nội tìm hiểu về bảng phiên âm tiếng Trung qua bài viết dưới đây.

Giới thiệu bảng phiên âm tiếng Trung

Nguồn gốc phiên âm tiếng Trung

Bảng phiên âm chữ cái tiếng Trung ra đời vào năm 1958 và được người dân Trung Quốc đưa vào sử dụng phổ biến từ năm 1979. Thực chất bảng phiên âm tiếng Trung là sử dụng chữ cái Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ cái tiếng Hán. Bảng chữ cái phiên âm tiếng Trung là trợ thủ đắc lực giúp người học nước ngoài có thể đọc và nói tiếng Trung một cách dễ dàng.

Trong tài liệu tiếng Trung, nguồn gốc tiếng Trung là các chữ tượng hình. Chữ tượng hình là cách vẽ lại những sự vật cụ thể một cách đơn giản nhất.

Ví dụ:

  • Chữ “月” (nguyệt) có nghĩa là mặt trăng, hình ảnh trăng khuyết gặp nhiều hơn so với hình ảnh trăng tròn.

Chữ nguyệt trong tiếng trung

  • Chữ “日” (Nhật) có nghĩa là mặt trời.

Chữ nhật trong tiếng trung

  • Chữ  “口” (khẩu) miêu tả cái miệng.

Chữ khẩu trong tiếng trung

Những chữ tượng hình này là những chữ “thuần tượng hình” rồi sau quá trình cải tiến thành các chữ cái tiếng Trung như bây giờ. Học chữ tượng hình có một đặc điểm đó chính là giúp cho người học nhớ mặt chữ của từ rất lâu và khó quên được ý nghĩa của nó.

Cấu tạo tiếng Trung

Một âm tiết thường do 3 bộ phận cấu tạo thành: vận mẫu (nguyên âm), thanh mẫu và thanh điệu tạo thành. 

Ví dụ: Từ 你 [nǐ] trong đó n là thanh mẫu, i là vận mẫu, phía trên vận mẫu là thanh điệu. Có một số ít âm tiết trong tiếng Trung không có thanh mẫu, chỉ có vận mẫu và thanh mẫu.

Tiếng Hán có tất cả 400 tổ hợp thanh mẫu – vận mẫu, khoảng 1200 âm tiết có thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu.

Cấu tạo âm tiếng trung

Bảng phiên âm tiếng Trung đầy đủ

Vận mẫu (Nguyên âm)

Vận mẫu hay còn được gọi là nguyên âm trong tiếng Trung, vận mẫu được coi là thành phần cơ bản để cấu tạo nên 1 âm tiết. Bởi vì 1 âm tiết trong tiếng Trung có thể thiếu đi thanh mẫu hoặc thanh điệu, nhưng không thể nào thiếu đi được nguyên âm.

Bảng chữ cái tiếng Trung phiên âm gồm có 36 vận mẫu. Trung Tâm Ngoại Ngữ Hà Nội sẽ giới thiệu tới bạn học 36 vận mẫu đầy đủ qua bảng sau đây:

Bảng 36 vận mẫu tiếng trung

(Bảng vận mẫu học tiếng Trung cơ bản)

Vận mẫu trong tiếng Trung được phân loại như sau

  • 6 vận mẫu đơn (nguyên âm đơn)

Vận mẫu đơn là vận mẫu do 1 nguyên âm cấu tạo thành, gồm có 6 vận mẫu đơn: a, o, e, i, u, ü.

Khi phát âm vận mẫu đơn vị trí lưỡi và khẩu hình không thay đổi, giữ nguyên trong suốt quá trình phiên âm.

  • 13 vận mẫu kép

Vận mẫu kép là vận mẫu được cấu tạo từ hai hoặc 3 nguyên âm. Có 13 vận mẫu kép: ai, ei, ao, ou, ia, ie, ua, uo, üe, iao, iou, uai, uei.

  • 16 nguyên âm mũi

Trong nguyên âm mũi, người Trung Quốc chia thành 2 loại:

  • Nguyên âm mũi trước: an, en, ian, in, uan, uen, üan, ün.
  • Nguyên âm mũi sau: ang, ing, eng, ong, ueng, uang, uang, iong.
  • 1 vận mẫu cong lưỡi

er – Đây là một nguyên âm đặc biệt, âm tiết riêng, không thể kết hợp vận mẫu “er” với bất kỳ phụ âm hoặc nguyên âm nào.

Thanh mẫu

Thanh mẫu là phụ âm mở đầu trong một âm tiết. Có tổng cộng tất cả 21 phụ âm thanh mẫu. Ngoài ra cũng có một số âm tiết không bắt đầu bằng phụ âm. Ví dụ như “ài, éi,..” khi đó chúng được gọi là âm tiết thanh mẫu không.

Bảng 21 thanh mẫu tiếng trung

(21 phụ âm tiếng Trung)

Thanh điệu

Thanh điệu trong tiếng Hán thể hiện sự thay đổi về độ cao của âm trong một âm tiết. Thanh điệu có tác dụng phân biệt ý nghĩa, những tổ hợp thanh mẫu – vận mẫu giống nhau nhưng thanh điệu khác nhau, thì nghĩa sẽ hoàn toàn khác nhau. Từ đó cho ta thấy thanh điệu trong tiếng Hán vô cùng quan trọng.

Bảng thanh điệu tiếng trung

(Bảng thanh điệu)

Tiếng Hán phổ thông gồm 4 thanh điệu:

  • Thanh 1: Độ cao 55. Đọc cao và bình bình. Giống như đọc các từ không dấu trong tiếng Việt.
  • Thanh 2: Độ cao 35. Đọc gần giống thanh sắc trong tiếng Việt, đọc từ trung bình lên cao.
  • Thanh 3: Độ cao 214. Đọc gần giống với thanh hỏi trong tiếng Việt, đọc từ thấp và xuống thấp nhất rồi lên cao vừa.
  • Thanh 4: Độ cao 51. Đọc gần giống thanh huyền kết hợp với thanh nặng trong tiếng Việt, đọc từ cao nhất xuống thấp nhất.

Xem thêm:

https://ngoainguhanoi.com/bo-thu-tieng-trung.html

Cách đọc bảng phiên âm tiếng Trung

Vận mẫu đơn

Vận mẫu Cách đọc
a Đọc là “a” trong tiếng Việt. Khi đọc môi mở rộng tự nhiên, lưỡi thẳng.
o Đọc là “ô” trong tiếng Việt. Khi đọc cần tròn môi.
e Đọc là “ơ” kết hợp với âm “ưa” trong tiếng Việt. Khi đọc miệng mở một nửa, lưỡi đưa ra sau, khóe miệng dẹt sang hai bên.
i Đọc là “i” trong tiếng Việt. Khi đọc miệng hơi dẹt, đầu lưỡi áp vào phần lợi dưới, miệng lưỡi nhô cao, áp vào vòm miệng cứng phía trên.
u Đọc là “u” trong tiếng Việt. Khi đọc tròn môi, miệng chu ra, mặt sau của lưỡi nhô lên.
ü Đọc là “uy” trong tiếng Việt. Khi đọc tròn môi, giữ khẩu hình miệng từ đầu đến cuối khi phát ra âm thanh, đầu lưỡi áp vào lợi dưới, phần trước của lưỡi nâng lên.

Vận mẫu kép

Vận mẫu Cách đọc
ai Đọc là “ai” trong tiếng Việt. Khi đọc, trước tiên phát âm âm a, rồi sau đó chuyển sang âm i, luồng hơi không được ngắt quãng, phát âm nhẹ và ngắn.
ei Đọc là “ây” trong tiếng Việt. Khi đọc, phát âm âm e trước, sau đó phát âm âm i, không được ngắt luồng hơi, miệng mở sang hai bên.
ao Đọc là “ao” trong tiếng Việt.
ou Đọc là “âu” trong tiếng Việt. Khi đọc, môi mở rộng rồi từ từ khép lại.
ia Khi phát âm, phát âm âm “i” trước, sau đó chuyển nhanh sang âm “a”, luồng hơi không bị ngắt quãng.
ie Đọc là “ia” trong tiếng Việt. Khi đọc phát âm âm”i” trước, sau đó đến âm “e”, luồng hơi không bị ngắt quãng.
iao Phát âm nguyên âm “i” trước, sau đó lập tức chuyển sang nguyên âm kép “ao”.
iou (iu) Đọc là “yêu” trong tiếng Việt. Khi đọc, miệng từ thẳng sang tròn, đọc âm “i” trước, sau đó chuyển nhanh sang âm “ou”.
ua Đọc là “oa” trong tiếng Việt. Đọc dài hơi âm “u”, rồi chuyển sang âm “a”.
uo Đọc là “ua” trong tiếng Việt. Đọc dài hơi âm “u”, sau đó chuyển sang âm “o”.
uai Cách phát âm giống âm “oai” trong tiếng Việt.
uei (ui) Đọc là “uây” trong tiếng Việt. Khi đọc, âm “u” được đọc ngắn, sau đó chuyển sang âm “ei”, khẩu hình miệng chuyển từ tròn sang dẹt.
üe Cách phát âm na ná giống âm “uê” trong tiếng Việt.

Nguyên âm mũi

Vận mẫu Cách đọc
an Đọc là “an”.
ang Đọc là “ang”.
ong Đọc là “ung”.
en Đọc phát âm gần giống với âm “ân”.
eng Đọc phát âm gần giống với âm “âng”.
in Đọc là “in”.
ian Đọc phát âm gần giống với âm “iên”.
ing Đọc là “ing”.
iang Phát âm gần giống với âm “yang”.
iong Phát âm gần giống với âm “yung”.
uan Đọc phát âm gần giống với âm “oan”.
uen (un) Đọc phát âm gần giống với âm “uân”.
uang Đọc phát âm gần giống với âm “oang”.
ueng Đọc phát âm gần giống với âm “uâng”.
ün Phát âm gần giống với âm “uyn”. Đọc tròn môi từ đầu tới cuối khi phát âm.
üan Phát âm gần giống với âm “oen”.

Nguyên âm cong lưỡi

er – Khi đọc âm này, miệng mở rộng, lưỡi uốn vào trong, đầu lưỡi chạm vào phần không nhăn trên vòm họng. Phát âm gần giống với âm “ơ” của tiếng Việt.

Nhóm âm môi: b, p, m, f

Khi đọc nhóm âm môi “b, p, m, f” cộng thêm với âm “ua” ở đằng sau.

  • b : Là âm môi – môi, vô thanh, khi đọc không bật hơi. Phát âm gần giống với âm “p” của tiếng Việt.
  • p : Là âm môi – môi, vô thanh, khác với âm “b” là âm “p” có bật hơi. 
  • m : Là âm môi – môi, hữu thanh, khi phát âm hai môi mím chặt, dây thanh rung. Đọc giống âm “m” của tiếng Việt.
  • f : Là âm môi – răng. Khi phát âm răng trên chạm với môi dưới, dây thanh không rung. Đọc gần giống âm “ph” của tiếng Việt.

Nhóm âm đầu lưỡi: d, t, n, l

Khi đọc nhóm âm đầu lưỡi “d, t, n, l” cộng thêm với âm “ưa” ở đằng sau.

  • d : Là âm không bật hơi, khi phát âm đầu lưỡi chạm vào chân răng hàm trên, nén hơi trong miệng đầu lưỡi hạ nhanh xuống đẩy mạnh hơi ra ngoài. Đọc gần giống âm “t” của tiếng Việt.
  • t : Đọc gần giống âm “th” của tiếng Việt. Cách phát âm cũng giống như phát âm âm “d” khác là âm “t” là âm bật hơi.
  • n : Là âm đầu lưỡi kết hợp với âm mũi. Khi phát âm đầu lưỡi chạm vào răng trên, dây thanh rung. Đọc gần giống với âm “n” của tiếng Việt.
  • l : Đọc gần giống âm “l” của tiếng Việt. Khi phát âm đầu lưỡi chạm vào phần nhăn của hàm trên, luồng hơi theo lưỡi đẩy ra ngoài, dây thanh rung.

Nhóm âm cuống lưỡi: g, k, h

Khi đọc nhóm âm cuống lưỡi “g, k, h” cộng thêm âm “ưa” ở đằng sau.

  • g : Đọc gần giống với âm “c” của tiếng Việt. Khi phát âm dây thanh quản không rung, trữ hơi sau đó hạ nhanh cuống lưỡi xuống và bật hơi ra ngoài.
  • k : Đọc gần giống với âm “kh” nhưng lúc phát âm luồng hơi cần bật nhanh và mạnh ra ngoài.
  • h : Là sự kết hợp của âm “kh” và âm “h” trong tiếng Việt. Cuống lưỡi tiếp xúc với phần ngạc mềm phía trên, luồng hơi được nhờ sự ma sát mà thoát ra ngoài.

Nhóm âm mặt lưỡi: j, q, x

Khi đọc nhóm âm mặt lưỡi “j, q, x” cộng thêm với âm “i” ở đằng sau.

  • j : Đọc gần giống âm “ch” của tiếng Việt. 
  • q : Đọc gần giống âm “j” bên trên nhưng khác là khi đọc âm “q” ta cần bật hơi.
  • x : Đọc na ná giống âm “x” của tiếng Việt và khi đọc kéo dài khẩu hình miệng, dây thanh quản không rung.

Nhóm âm đầu lưỡi trước: z, c, s

Khi đọc âm đầu lưỡi trước “z, c, s” cộng thêm với âm “ư” ở đằng sau.

  • z : Đọc gần giống âm “tr” của tiếng Việt. Khi phát âm đầu lưỡi đặt sau mặt răng dưới.
  • c : Đọc gần giống âm “tr” kết hợp âm “x”. Là âm bật hơi, khi đọc bật mạnh hơi ra ngoài.
  • s : Đọc gần giống âm “x” kết hợp âm “s”. Khi phát âm đầu lưỡi đặt sau của mặt răng trên.

Nhóm âm đầu lưỡi sau: zh, ch, sh, r

Khi đọc âm đầu lưỡi sau “zh, ch, sh, r” cộng thêm với âm “ư” ở đằng sau.

  • zh : Khi phát âm cần tròn môi, đầu lưỡi cong lên phía vòm họng. Đọc gần giống âm “tr” của tiếng Việt.
  • ch : Đọc gần giống với âm “zh” ở phía trên nhưng khi đọc âm “ch” cần phải bật hơi.
  • sh : Đọc gần giống với âm “s” của tiếng Việt nhưng nặng hơn.
  • r : Khi phát âm đầu lưỡi cuốn lên trên vòm họng, thanh quản hơi rung. Đọc gần giống âm “r” của tiếng Việt nhưng không rung kéo dài.

Hy vọng những thông tin bổ ích trên của Trung Tâm Ngoại Ngữ Hà Nội sẽ giúp bạn học có nền tảng vững chắc khi đọc bảng phiên âm tiếng Trung. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết, chúc bạn học tiếng Trung thật tốt.

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận