Học tốt tiếng Trung, Kiến thức chung

Tết Trùng Cửu là gì? Nguồn gốc từ đâu? Nên làm gì trong ngày Tết Trùng Cửu?

Tết Trùng Cửu là gì? Nguồn gốc từ đâu? Nên làm gì trong ngày Tết Trùng Cửu?

Tết Trùng Cửu là một ngày lễ được bắt nguồn từ Trung Hoa và dần trở nên phổ biến tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Vậy ngày Trùng Cửu tốt hay xấu? Tết Trùng Cửu nên làm gì để gặp nhiều may mắn? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích.

Tết Trùng Cửu là gì?

Tết Trùng Cửu còn được biết đến với tên gọi Tết Trùng Dương, Tết hoa cúc, Tết người cao tuổi… Đây là một ngày lễ truyền thống của người Trung Quốc, được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 âm lịch hằng năm. Tên gọi “Tết Trùng Cửu” biểu thị cho sự lặp lại của hai con số 9 trong năm.

Theo quan niệm của người xưa, khi hai số 9 hợp nhất đồng nghĩa với một năm mới bắt đầu, vạn vật thay đổi. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tốt lành, may mắn và mang ý nghĩa trường thọ. Ngoài ra, theo “Kinh dịch”, số 9 cũng là một số dương nên ngày này còn được gọi là Tết Trùng Dương.

tết trùng cửu

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trùng Cửu

Nguồn gốc

Có nhiều điển tích xoay quanh nguồn gốc của ngày lễ đặc biệt này. Tương truyền, vào thời Đông Hán, Hoàng Cảnh – một người đến từ huyện Nhữ Nam đã bái sư học đạo với Phí Trường Phòng. Một hôm, Phí Trường Phòng bảo Hoàng Cảnh: “Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du, uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. 

Vâng lời thầy, Hoàng Cảnh đã đưa gia đình lên núi tránh nạn. Đến tối trở về thì thấy vật nuôi trong nhà đều chết do dịch bệnh. Từ đó, vào ngày 9 tháng 9 âm lịch hằng năm, Hoàng Cảnh đều đưa người dân lên núi để phòng ngừa dịch bệnh tái phát, dần dần hình thành nên tập tục Tết Trùng Cửu. 

Một câu chuyện khác cũng được dân gian lưu truyền khá rộng rãi. Vào ngày 9 tháng 9 âm lịch, khi người xưa lên núi hái cây thù du đều sẽ đem theo một bình rượu hoa cúc để xua đuổi tà ma. Loại rượu này còn có công dụng dưỡng nhan và giúp phòng ngừa bệnh tật. Từ đó, uống rượu hoa cúc, ngắm hoa cúc dần trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày Tết Trùng Dương.

nguồn gốc tết trùng cửu

Ý nghĩa

Ngày Tết Trùng Cửu có hai ý nghĩa chính: 

  • Mừng mùa màng bội thu: Theo quan niệm của người cổ đại, số 9 tượng trưng cho sự may mắn, trường thọ, sức khỏe và thịnh vượng. Ngày mùng 9/9 âm lịch cũng là thời điểm người dân thu hoạch mùa vụ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với trời đất đã ban cho một mùa màng bội thu. 
  • Thể hiện sự tôn kính với người cao tuổi: Trong ngày lễ này, mọi người thường tổ chức các hoạt động như tặng quà, thăm hỏi, chúc thọ ông bà, cha mẹ… để bày tỏ đạo hiếu. 

Ngày Trùng Cửu năm 2023 rơi vào ngày nào?

Ngày Trùng Cửu năm 2023 rơi vào ngày 23 tháng 10 năm 2023 (thứ Hai). Ngày cuối cùng của tiết khí Hàn Lộ. Những khung giờ tốt để làm lễ cúng Tết Trùng Dương là: 

  • Giờ Tỵ (9 – 11 giờ).
  • Giờ Mùi (13 – 15 giờ).
  • Giờ Dậu (17 – 19 giờ).

ngày trùng cửu 2023

Những hoạt động phổ biến trong ngày Tết Trùng Cửu mà bạn nên biết

Tết Trùng Cửu rất phổ biến ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Mỗi quốc gia sẽ có những hoạt động khác nhau, dựa trên văn hóa và lịch sử của dân tộc. Những tập tục dân gian trong ngày Tết Trùng Cửu ở Việt Nam bao gồm: Thờ cúng tổ tiên, mua vàng, tặng quà người cao tuổi, uống rượu hoa cúc…

Thờ cúng tổ tiên

Đây là một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện được đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tượng trưng cho sự kết nối gia đình trong văn hóa của người Việt. 

Ngoài tập tục thờ cúng tổ tiên, người dân còn đi viếng thăm, dọn dẹp phần mộ tổ tiên. Ý nghĩa của hoạt động này nhằm bày tỏ lòng biết ơn khi mùa màng bội thu, luôn hướng về nguồn cội, cũng như cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, gia đình bình an và gặp nhiều may mắn.

thờ cúng tổ tiên

Hiếu kính với người cao tuổi

Đây là một hoạt động rất ý nghĩa không chỉ trong ngày Tết Trùng Dương, thể hiện được đạo hiếu, lòng biết ơn với đấng sinh thành. Theo quan niệm của người xưa, sau khi thu hoạch mùa vụ, con cháu trong nhà sẽ có nhiều món ngon để dâng tặng cho ông bà, cha mẹ. 

Hiếu kính người cao tuổi, quan tâm và chăm sóc những người lớn tuổi trong gia đình là bổn phận, trách nhiệm của tất cả mọi người. Trong ngày lễ này, con cháu thường tổ chức đi thăm hỏi, chúc thọ và tặng quà cho ông bà, cha mẹ.

kính trọng người cao tuổi

Leo núi

Leo núi là một hoạt động truyền thống trong ngày Tết Trùng Cửu của người Trung Quốc. Người ta tin rằng, leo núi sẽ giúp xua đuổi tà ma, rèn luyện sức khỏe, mang lại sự may mắn và thịnh vượng cho mỗi người. Sau ngày Trùng Cửu, thời tiết bắt đầu vào đông, không thích hợp để đi du lịch, thưởng ngoạn phong cảnh.

Vào ngày này, mọi người thường đến những nơi có núi địa hình cao hay tháp cao, vùng ngoại ô để chiêm ngưỡng phong cảnh và hít thở không khí trong lành. Thành phố Thái An thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), tọa lạc dưới chân núi Thái Sơn còn tổ chức cuộc thi leo núi để kỷ niệm ngày lễ đặc biệt này.

Ăn bánh Trùng Dương

Bánh Trùng Dương còn có tên gọi là bánh hoa cúc, hay bánh ngũ sắc. Loại bánh này được làm thành nhiều lớp, bên trên có hạt thù du. Hương vị và cách chế biến bánh hoa cúc rất đa dạng, tùy thuộc vào đặc trưng ẩm thực của từng vùng miền.

Do được bắt nguồn từ những vùng không có núi cao nên mọi người quan niệm, ăn bánh Trùng Dương có thể thay thế cho việc leo núi. Việc chế biến bánh Trùng Dương được biến tấu và kết hợp hài hòa với nhiều nguyên liệu khác nhau. Một số món bánh dẻo mà các vùng ăn vào dịp tết Trùng Cửu cũng được gọi là bánh Trùng Dương.

bánh trùng dương

Ngắm hoa cúc và uống rượu hoa cúc

Phong tục này có điển tích từ thời nhà Tấn. Tương truyền, một ẩn sĩ tên là Đào Uyên Minh rất yêu hoa cúc, cứ uống rượu là ngâm thơ. Những văn nhân khác bắt chước ông ta, lấy ngày Trùng Cửu làm ngày ngâm vịnh. 

Có một lần dạo ngắm hoa, vì nhà nghèo nên không tài nào xỉn được rượu, ông đành vặt tạm hoa cúc nhai làm mồi. Bỗng có sai nhân do thứ sử Giang Châu Vương Hoằng cử đến tặng rượu cho Đào Uyên Minh. Đào Uyên Minh thấy vậy thì mừng rỡ, mở bình uống cho đến khi say. 

Về sau, người ta thường cho thêm hoa cúc vào trong rượu nếp Trùng Dương vì cho rằng, đây là loại thảo mộc có thể chữa trị bách bệnh. Do đó, loại rượu này còn được gọi là rượu trường thọ.

Ngoài tập tục uống rượu hoa cúc, ngắm hoa cúc cũng là một hoạt động phổ biến trong tết Trùng Cửu. Hoa cúc được xem là biểu tượng của sự cao thượng, tình bạn và nét nho nhã của danh sĩ. Đây cũng được xem là một trong bốn loài hoa quân tử: Mai, lan, cúc, trúc.

rượu hoa cúc

Mua vàng để gặp may mắn

Theo dân gian quan niệm, nếu mua vàng và tích trữ trong ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm thì gia đình sẽ gặp nhiều tài lộc, vận may trong suốt cả năm. Chính vì vậy, rất nhiều người đua nhau mua vàng vào dịp Tết Trùng Cửu. Nếu có điều kiện về tài chính, bạn có thể mua một ít vàng vào ngày này để cầu may mắn, sung túc và thịnh vượng cho cả gia đình.

mua vàng

Ném cam vàng ra cửa

Mùa thu là thời điểm cây cam vàng phát triển rất tốt. Người xưa cho rằng, nếu ném cam vàng ra cửa vào ngày 9 tháng 9 âm lịch thì có thể xua đuổi những điều xui xẻo trong nhà và nhận được may mắn. 

Trước khi ném cam, mọi người sẽ đọc nhỏ những hy vọng, ước nguyện của bản thân về cuộc sống gia đình, sức khỏe, công việc, tình duyên… Ở một số địa phương, người dân còn có tập tục viết trực tiếp lên vỏ quả cam và cầu nguyện.

Trên đây là những thông tin về ngày Tết Trùng Cửu mà bạn đọc có thể tham khảo. Đừng quên cập nhật các bài viết mới nhất tại website ngoainguhanoi.com để không bỏ lỡ nhiều thông tin thú vị và hữu ích các bạn nhé!

0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận