Ngữ pháp

Cách phát âm tiếng Trung cho người mới bắt đầu

Đối với một người học ngoại ngữ, việc phát âm chuẩn là điều vô cùng quan trọng. Với người học tiếng Trung cũng vậy, việc học phát âm chuẩn ngay từ đầu giúp chúng ta tạo nền tảng vững chắc cho việc học ngữ pháp, từ vựng, giao tiếp… Vậy làm thế nào để có thể học phát âm tiếng Trung chuẩn? Trong bài viết này, hãy cùng Trung Tâm Ngoại Ngữ Hà Nội tìm hiểu về cách phát âm tiếng Trung chuẩn cho người mới bắt đầu nhé!

Bảng phát âm tiếng Trung

Tiếng Trung là loại chữ tượng hình. Vì vậy, để người học tiếng Trung có thể đọc và nói tiếng Trung một cách dễ dàng thì cần áp dụng bảng phiên âm Pinyin.

bang-phat-am-tieng-trung

 

Bảng phiên âm tiếng Trung

Trong tiếng Trung, một âm tiết do 3 bộ phận tạo thành: vận mẫu (nguyên âm), thanh mẫu và thanh điệu. 

Vận mẫu

Vận mẫu hay còn được gọi là nguyên âm trong tiếng Trung, vận mẫu được coi là thành phần cơ bản để cấu tạo nên 1 âm tiết. Bảng chữ cái tiếng Trung phiên âm gồm có 36 vận mẫu. Gồm 6 nguyên âm đơn, 13 nguyên âm kép, 16 nguyên âm mũi và 1 nguyên âm uốn lưỡi.

Bảng vận mẫu tiếng Trung

Thanh mẫu

Thanh mẫu là phụ âm mở đầu trong một âm tiết. Có tổng cộng tất cả 21 phụ âm thanh mẫu.

21 phụ âm tiếng Trung

Thanh điệu

Thanh điệu trong tiếng Hán là bộ phận vô cùng quan trọng. Thanh điệu trong tiếng Hán thể hiện sự thay đổi về độ cao của âm trong một âm tiết. Thanh điệu có tác dụng phân biệt ý nghĩa của từ.

Bảng thanh điệu

Tiếng Hán phổ thông gồm 4 thanh điệu:

  • Thanh 1: Đọc cao và bình bình. Giống như đọc các từ không dấu trong tiếng Việt.
  • Thanh 2: Đọc gần giống thanh sắc trong tiếng Việt, đọc từ trung bình lên cao.
  • Thanh 3: Đọc gần giống với thanh hỏi trong tiếng Việt, đọc từ thấp và xuống thấp nhất rồi lên cao vừa.
  • Thanh 4: Đọc gần giống thanh huyền kết hợp với thanh nặng trong tiếng Việt, đọc từ cao nhất xuống thấp nhất.

Cách đọc bảng phiên âm tiếng Trung

Vận mẫu đơn

Vận mẫu Cách đọc
a Đọc là “a” trong tiếng Việt. Khi đọc môi mở rộng tự nhiên, lưỡi thẳng.
o Đọc là “ô” trong tiếng Việt. Khi đọc cần tròn môi.
e Đọc là “ơ” kết hợp với âm “ưa” trong tiếng Việt. Khi đọc miệng mở một nửa, lưỡi đưa ra sau, khóe miệng dẹt sang hai bên.
i Đọc là “i” trong tiếng Việt. Khi đọc miệng hơi dẹt, đầu lưỡi áp vào phần lợi dưới, miệng lưỡi nhô cao, áp vào vòm miệng cứng phía trên.
u Đọc là “u” trong tiếng Việt. Khi đọc tròn môi, miệng chu ra, mặt sau của lưỡi nhô lên.
ü Đọc là “uy” trong tiếng Việt. Khi đọc tròn môi, giữ khẩu hình miệng từ đầu đến cuối khi phát ra âm thanh, đầu lưỡi áp vào lợi dưới, phần trước của lưỡi nâng lên.

Vận mẫu kép

Vận mẫu Cách đọc
ai Đọc là “ai” trong tiếng Việt. Khi đọc, trước tiên phát âm âm a, rồi sau đó chuyển sang âm i, luồng hơi không được ngắt quãng, phát âm nhẹ và ngắn.
ei Đọc là “ây” trong tiếng Việt. Khi đọc, phát âm âm e trước, sau đó phát âm âm i, không được ngắt luồng hơi, miệng mở sang hai bên.
ao Đọc là “ao” trong tiếng Việt.
ou Đọc là “âu” trong tiếng Việt. Khi đọc, môi mở rộng rồi từ từ khép lại.
ia Khi phát âm, phát âm âm “i” trước, sau đó chuyển nhanh sang âm “a”, luồng hơi không bị ngắt quãng.
ie Đọc là “ia” trong tiếng Việt. Khi đọc phát âm âm”i” trước, sau đó đến âm “e”, luồng hơi không bị ngắt quãng.
iao Phát âm nguyên âm “i” trước, sau đó lập tức chuyển sang nguyên âm kép “ao”.
iou (iu) Đọc là “yêu” trong tiếng Việt. Khi đọc, miệng từ thẳng sang tròn, đọc âm “i” trước, sau đó chuyển nhanh sang âm “ou”.
ua Đọc là “oa” trong tiếng Việt. Đọc dài hơi âm “u”, rồi chuyển sang âm “a”.
uo Đọc là “ua” trong tiếng Việt. Đọc dài hơi âm “u”, sau đó chuyển sang âm “o”.
uai Cách phát âm giống âm “oai” trong tiếng Việt.
uei (ui) Đọc là “uây” trong tiếng Việt. Khi đọc, âm “u” được đọc ngắn, sau đó chuyển sang âm “ei”, khẩu hình miệng chuyển từ tròn sang dẹt.
üe Cách phát âm na ná giống âm “uê” trong tiếng Việt.

Nguyên âm mũi

Vận mẫu Cách đọc
an Đọc là “an”.
ang Đọc là “ang”.
ong Đọc là “ung”.
en Đọc phát âm gần giống với âm “ân”.
eng Đọc phát âm gần giống với âm “âng”.
in Đọc là “in”.
ian Đọc phát âm gần giống với âm “iên”.
ing Đọc là “ing”.
iang Phát âm gần giống với âm “yang”.
iong Phát âm gần giống với âm “yung”.
uan Đọc phát âm gần giống với âm “oan”.
uen (un) Đọc phát âm gần giống với âm “uân”.
uang Đọc phát âm gần giống với âm “oang”.
ueng Đọc phát âm gần giống với âm “uâng”.
ün  Phát âm gần giống với âm “uyn”. Đọc tròn môi từ đầu tới cuối khi phát âm.
üan  Phát âm gần giống với âm “oen”.

Nguyên âm cong lưỡi

er – Khi đọc âm này, miệng mở rộng, lưỡi uốn vào trong, đầu lưỡi chạm vào phần không nhăn trên vòm họng. Phát âm gần giống với âm “ơ” của tiếng Việt.

Nhóm âm môi: b, p, m, f

Khi đọc nhóm âm môi “b, p, m, f” cộng thêm với âm “ua” ở đằng sau.

  • b : Là âm môi – môi, vô thanh, khi đọc không bật hơi. Phát âm gần giống với âm “p” của tiếng Việt.
  • p : Là âm môi – môi, vô thanh, khác với âm “b” là âm “p” có bật hơi. 
  • m : Là âm môi – môi, hữu thanh, khi phát âm hai môi mím chặt, dây thanh rung. Đọc giống âm “m” của tiếng Việt.
  • f : Là âm môi – răng. Khi phát âm răng trên chạm với môi dưới, dây thanh không rung. Đọc gần giống âm “ph” của tiếng Việt.

Nhóm âm đầu lưỡi: d, t, n, l

Khi đọc nhóm âm đầu lưỡi “d, t, n, l” cộng thêm với âm “ưa” ở đằng sau.

  • d : Là âm không bật hơi, khi phát âm đầu lưỡi chạm vào chân răng hàm trên, nén hơi trong miệng đầu lưỡi hạ nhanh xuống đẩy mạnh hơi ra ngoài. Đọc gần giống âm “t” của tiếng Việt.
  • t : Đọc gần giống âm “th” của tiếng Việt. Cách phát âm cũng giống như phát âm âm “d” khác là âm “t” là âm bật hơi.
  • n : Là âm đầu lưỡi kết hợp với âm mũi. Khi phát âm đầu lưỡi chạm vào răng trên, dây thanh rung. Đọc gần giống với âm “n” của tiếng Việt.
  • l : Đọc gần giống âm “l” của tiếng Việt. Khi phát âm đầu lưỡi chạm vào phần nhăn của hàm trên, luồng hơi theo lưỡi đẩy ra ngoài, dây thanh rung.

Nhóm âm cuống lưỡi: g, k, h

Khi đọc nhóm âm cuống lưỡi “g, k, h” cộng thêm âm “ưa” ở đằng sau.

  • g : Đọc gần giống với âm “c” của tiếng Việt. Khi phát âm dây thanh quản không rung, trữ hơi sau đó hạ nhanh cuống lưỡi xuống và bật hơi ra ngoài.
  • k : Đọc gần giống với âm “kh” nhưng lúc phát âm luồng hơi cần bật nhanh và mạnh ra ngoài.
  • h : Là sự kết hợp của âm “kh” và âm “h” trong tiếng Việt. Cuống lưỡi tiếp xúc với phần ngạc mềm phía trên, luồng hơi được nhờ sự ma sát mà thoát ra ngoài.

Nhóm âm mặt lưỡi: j, q, x

Khi đọc nhóm âm mặt lưỡi “j, q, x” cộng thêm với âm “i” ở đằng sau.

  • j : Đọc gần giống âm “ch” của tiếng Việt. 
  • q : Đọc gần giống âm “j” bên trên nhưng khác là khi đọc âm “q” ta cần bật hơi.
  • x : Đọc na ná giống âm “x” của tiếng Việt và khi đọc kéo dài khẩu hình miệng, dây thanh quản không rung.

Nhóm âm đầu lưỡi trước: z, c, s

Khi đọc âm đầu lưỡi trước “z, c, s” cộng thêm với âm “ư” ở đằng sau.

  • z : Đọc gần giống âm “tr” của tiếng Việt. Khi phát âm đầu lưỡi đặt sau mặt răng dưới.
  • c : Đọc gần giống âm “tr” kết hợp âm “x”. Là âm bật hơi, khi đọc bật mạnh hơi ra ngoài.
  • s : Đọc gần giống âm “x” kết hợp âm “s”. Khi phát âm đầu lưỡi đặt sau của mặt răng trên.

Nhóm âm đầu lưỡi sau: zh, ch, sh, r

Khi đọc âm đầu lưỡi sau “zh, ch, sh, r” cộng thêm với âm “ư” ở đằng sau.

  • zh : Khi phát âm cần tròn môi, đầu lưỡi cong lên phía vòm họng. Đọc gần giống âm “tr” của tiếng Việt.
  • ch : Đọc gần giống với âm “zh” ở phía trên nhưng khi đọc âm “ch” cần phải bật hơi.
  • sh : Đọc gần giống với âm “s” của tiếng Việt nhưng nặng hơn.
  • r : Khi phát âm đầu lưỡi cuốn lên trên vòm họng, thanh quản hơi rung. Đọc gần giống âm “r” của tiếng Việt nhưng không rung kéo dài.

Một số quy tắc phát âm tiếng Trung

Ngoài các quy tắc trong cách phát âm tiếng Trung đã nêu trên thì trong tiếng Trung có một số biến âm khi nói. 

Biến đổi thanh điệu của thanh 3 

  • Trong phát âm tiếng Trung, 2 thanh 3 đứng liền nhau, thanh 3 phía trước đọc thành thanh 2.
  • Khi ba âm tiết cùng thanh 3 đứng cạnh nhau, âm tiết thứ 2 sẽ đọc thành thanh 2, hoặc cả hai âm tiết đầu đều đọc thành thanh 2.
  • Khi bốn âm tiết cùng thanh 3 đứng cạnh nhau, âm tiết thứ nhất và âm tiết thứ 3 sẽ đọc thành thanh 2.
  • Khi thanh 3 đứng trước thanh 1, thanh 2, thanh 4 thì âm tiết đó được đọc thành nửa thanh thứ 3, nghĩa là đọc thành thanh huyền của tiếng Việt.

Thanh nhẹ trong phát âm tiếng Trung

Thanh nhẹ là một giọng điệu nhẹ và ngắn. Âm tiết thanh nhẹ vốn có thanh điệu nhất định, vì âm tiết yếu đi phát sinh sự biến âm.

+ Khi thanh 3 đứng trước thanh nhẹ có gốc là thanh 3, thì giọng điệu đọc gần như thanh 2;

+ Khi thanh 3 đứng trước thanh nhẹ có gốc là thanh 1, thanh 2, thanh 4, thì giọng điệu đọc xuống không đọc lên.

Vần đuôi /er/ trong phát âm tiếng Trung

  • Khi phát âm /er/, trước hết đặt lưỡi ở vị trí âm “e”, trong khi cong lưỡi lên thì phát âm. Ví dụ:  儿子 /ér zi/, 耳机 /ěr jī/, 二十 /èr shí/, 二百 /èr bǎi/
  • Khi kết hợp với vần khác tạo thành vần cuốn lưỡi, cách phiên âm có phần cuốn lưỡi là thêm “r” vào sau phần đã có. Về chữ viết thì thêm chữ “儿” vào sau chữ gốc (có lúc được lược bỏ). Ví dụ: 画 儿 /huà ér/ -> /huàr/, 哪 儿 /nǎ ér/ -> /nǎr/, 玩 /wán ér/ -> /wánr/

Sự biến đổi thanh điệu của “一” /yī/

  • Trong phát âm tiếng Trung, “一” /yī/ dùng đơn độc hay dùng liền nhau, đứng cuối từ/cụm từ hoặc đứng giữa số từ, thanh điệu không đổi, đều đọc đúng thanh 1.
  • Khi “一” /yī/ đứng trước thanh 1, thanh 2, thanh 3 đọc thành thanh 4.
  • Khi “一” /yī/ đứng trước thanh 4 thì đọc thành thanh 2.

Sự biến đổi thanh điệu của “不” trong phát âm tiếng Trung

  • Khi “不” dùng đơn độc hay dùng đứng trước thanh 1, thanh 2, thanh 3 thì thanh điệu không thay đổi, đều đọc thanh 4.
  • Khi “不” đứng trước thanh 4 thì đọc thành thanh 2.

Phương pháp luyện cách phát âm tiếng Trung chuẩn

Xác định đúng thanh mẫu, vận mẫu

Việc đầu tiên của học phát âm tiếng Trung là các bạn phải xác định các thanh mẫu, vận mẫu để ghép chúng một cách chính xác. Chỉ khi biết được sự chính xác của các phiên âm thì mình mới có thể hình dung và nghĩ ngay trong đầu cái chữ đấy phát âm như thế nào?

Xác định đúng thanh mẫu, vận mẫu

Xác định đúng thanh mẫu, vận mẫu

Học phát âm tiếng Trung qua các phần mềm tiện ích 

Thời đại công nghệ như hiện nay có rất nhiều phần mềm tiện ích, giúp kiểm tra phát âm của chúng ta có chính xác hay không. Hầu hết các app đều có phần nghe và phát âm từ vựng rất tiện lợi. Đây là một công cụ hữu ích giúp chúng ta luyện phát âm tiếng Trung. Một số phần mềm có thể tham khảo:

  • LingoDeer
  • Từ điển Hanzii
  • Super Chinese
  • HelloChinese
  • Dịch Tiếng Trung
  • Phần mềm phát âm tiếng Trung ChineseSkill

Một số app luyện phát âm tiếng Trung

Một số app luyện phát âm tiếng Trung

Học phát âm tiếng Trung qua phim ảnh, tài liệu 

Các mẫu tin radio, phim ảnh, nhạc, sách audio, chương trình TV, video clip,…mà bạn xem hằng ngày đều có thể trở thành công cụ giúp bạn luyện phát âm tiếng Trung. Việc này không chỉ giúp bạn biết được cách đọc tiếng Trung mà còn giúp bạn nói đúng ngữ điệu.  

Trung Tâm Ngoại Ngữ Hà Nội xin giới thiệu với các bạn kênh Youtube giúp bạn luyện phát âm tiếng Trung. Kênh liên tục cập nhật các bài giảng với các nội dung biên soạn phù hợp cho nhiều đối tượng học viên khác nhau. Dù bạn là một người mới học hay đang muốn trau dồi thêm khả năng nói tiếng Trung của mình thì đều có thể tìm thấy video phù hợp với bản thân mình trên kênh Youtube Trung tâm Ngoại Ngữ Hà Nội.

Luyện phát âm tiếng Trung thường xuyên

Tự luyện tập phát âm thường xuyên

Điều quan trọng nhất của phương pháp này đó là sự thường xuyên. Các bạn có thể dành 15 phút mỗi ngày cùng từ điển hoặc những bài tập luyện phát âm, hoặc đôi lúc chỉ cần nói đi nói lại vài từ trong khi các bạn đang làm gì đó khác như đang xem ti-vi hay đang tắm chẳng hạn. Bằng cách đó, các bạn sẽ tiến bộ rất nhanh.

Tham gia các khóa học về luyện phát âm

Trung Tâm Ngoại Ngữ Hà Nội xin giới thiệu với các bạn “LỚP NGHE NÓI VỚI GIÁO VIÊN TRUNG QUỐC”. Tham gia lớp học, bạn sẽ được sửa các lỗi sai về phát âm, ngữ điệu, ngữ pháp, từ vựng cho đến khi hiểu rõ và sửa đúng ngay tại lớp. Bạn không chỉ luyện nói sao cho thật chuẩn mà còn luyện tập cả ngữ điệu, lên giọng, xuống giọng, biểu cảm để xây dựng sự tự tin và giao tiếp một cách tự nhiên nhất.

Các khóa học luyện phát âm

Hãy đăng ký ngay theo form dưới đây nhé:

Như vậy, Trung Tâm Ngoại Ngữ Hà Nội đã giới thiệu tới các bạn cách phát âm tiếng Trung và một số phương pháp luyện phát âm tiếng Trung cho người mới bắt đầu. Hy vọng sau bài viết này, các bạn sẽ nói tiếng Trung hay hơn và lưu loát hơn. Chúc các bạn thành công.

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận