Bạn đang học tiếng Hàn Quốc? Bạn muốn nói được những câu dài hơn với nhiều nội dung được lồng ghép? Cách hay nhất đó chính là sử dụng định ngữ. Và đây cũng chính xác là cách mà người Hàn thường xuyên sử dụng để giao tiếp trong cuộc sống thường nhật. Cùng Trung tâm Ngoại ngữ Hà Nội tìm hiểu về định ngữ tiếng Hàn trong bài viết này nhé!
Mức độ sử dụng định ngữ của người Hàn
Trong giao tiếp với người Hàn, bạn sẽ phát hiện ra người Hàn rất ưa chuộng sử dụng định ngữ. Ví dụ, câu hỏi “Có ai biết huấn luyện viên Park Hang Seo không ạ?” thì bạn nghĩ người Hàn sẽ nói là “누가 박항서 코치 알아요?” ư? Cách mà người Hàn thực sự dùng là “박항서 코치 아는 사람 있나요?”. Theo dõi tiếp phần bên dưới để nắm rõ cách dùng định ngữ tiếng Hàn thôi nào!
Định ngữ là gì?
Định ngữ (관형어) là thành phần được đặt trước danh từ và bổ sung ý nghĩa cho danh từ đó. Định ngữ là thành phần phụ nên nếu không có định ngữ, câu vẫn tồn tại bình thường.
Ví dụ:
- 어제 엄마는 티셔츠 한 개 사셨다. (Hôm qua, mẹ tôi đã mua một chiếc áo phông)
- 어제 엄마는 파란색 티셔츠 한 개 사셨다. (Hôm qua, mẹ tôi đã mua một chiếc áo phông màu xanh)
Trong hai câu này, câu thứ nhất không sử dụng định ngữ, còn câu thứ hai sử dụng định ngữ “màu xanh” để bổ sung ý nghĩa cho “chiếc áo”. Vì câu thứ hai có định ngữ nên người đọc sẽ hình dung rõ hơn là mẹ đã mua chiếc áo màu xanh, chứ không phải là một chiếc màu vàng hay đỏ… Định ngữ ở đây có vai trò bổ sung ý nghĩa và cụ thể hóa đối tượng được miêu tả.
Lưu ý
Mặc dù nói định ngữ là thành phần phục bổ sung cho danh từ, không có định ngữ câu vẫn rõ nghĩa. Tuy nhiên, trong trường hợp của các danh từ phụ thuộc như 것, 개, 마리… thì bắt buộc phải có định ngữ đi kèm, nếu không câu sẽ mơ hồ, tối nghĩa.
Ví dụ:
- (?) 것을 먹고 싶다. [Tôi muốn ăn đồ (đồ gì, cái như thế nào) => không rõ]
- 책 (?) 개 싸 주세요. [Hãy gói cho tôi (mấy, bao nhiêu) quyển sách => không rõ]
- 치킨 (?) 마리 보장해 주세요. [Hãy gói cho tôi (mấy, bao nhiêu) con gà => không rõ]
Trong những trường hợp xuất hiện danh từ phụ thuộc như trên, để câu được hiểu đầy đủ nghĩa, nhất định phải có định ngữ. Có thể thêm định ngữ như sau:
- 맛있는 것을 먹고 싶다. (Tôi muốn ăn đồ ngon)
- 책 세 개 싸 주세요. (Hãy gói giúp tôi 3 cuốn sách)
- 치킨 한 마리 보장해 주세요. (Hãy gói mang về cho tôi một con gà)
Định ngữ được cấu thành bằng cách nào?
Định ngữ là một định từ
Ví dụ:
- 저 가게는 무엇이든 싸게 판다. (Cửa hàng đó bán gì cũng rẻ)
- 익명으로부터 편지 한 장 받았다. (Tôi đã nhận được một bức thư từ một người nặc danh)
- 학교부터 여기까지는 웬 사람이 나를 따르고 있어요. (Có một người nào đó đang bám theo tôi từ trường học đến đây)
Định ngữ là một danh từ
Ví dụ:
- 미국 여행할 때 중학교 친구를 만나게 되었다. (Trong chuyến du lịch ở Mỹ, tôi đã gặp lại người bạn cùng lớp từ thời cấp 2)
- 한국어를 공부하는 중이라서 제 한국어 능력을 높이기 위하여 한국어 책을 읽곤 한다. (Tôi đang học tiếng Hàn, vì vậy tôi thường xuyên đọc sách tiếng Hàn để nâng cao trình độ tiếng Hàn của bản thân)
- 이 나무 의자가 튼튼하네요. (Chiếc ghế gỗ này thật chắc chắn)
“Danh từ + 의” là một định ngữ
Ví dụ:
- 우리의 희망은 돈을 많이 벌고 남을 도와 주는 것이다. (Ước mong của chúng tôi là kiếm thật nhiều tiền và giúp đỡ mọi người)
- 제 남친의 친구들은 착한 사람들이다. (Bạn của bạn trai tôi là những người rất hiền lành, tử tế)
- 엄마의 옷이 비와 햇빛으로 인해 색이 바랬다. (Áo của mẹ đã sờn bạc vì dầu mưa dãi nắng)
Động từ, tính từ, ‘이다’ + ‘-(으)ㄴ’, ‘-는’, ‘-(으)ㄹ’, ‘-던’ (vĩ tố chuyển loại định từ) là một định ngữ
Quá khứ | Hiện tại | Tương lai | |
Động từ (V) | V(으)ㄴ + N, V았/었던, V던 | V는 + N | V(으)ㄹ + N |
Tính từ (A) | Aㄴ + N | - | |
이다 | N(이)었던/였던 + N | N인 | - |
Ví dụ:
- 그는 안내가 임신한다는 소식을 들었을 때 행복한 표정을 감추지 못했다. (Khi nghe tin vợ mình có em bé, anh ấy đã không giấu nổi biểu cảm hạnh phúc trên gương mặt của mình)
- 예전 학교를 방문할 때마다 지냈던 학창시절의 추억들이 문득 떠올랐다. (Những kỉ niệm đã qua về thời học sinh bỗng dưng ùa về trong tâm trí mỗi khi tôi trở lại thăm trường xưa)
- 제 친한 친구와 결혼할 사람은 제 옛사람이다. (Người mà bạn thân tôi sắp kết hôn cùng chính là bạn gái cũ của tôi)
Định ngữ là một ngữ (câu)
Ví dụ:
- 제가 가장 좋아하는 책은 심리학책이다. (Sách mà tôi thích nhất là sách tâm lý học)
- 너는 자신이 좋아하는 것을 모르면 나는 어떻게 알아? (Đến cậu còn chẳng biết bản thân mình thích gì tớ sao mà biết)
- 엄마는 제가 가장 먹고 싶은 음식들을 잘 아시는 분이다. (Mẹ là người luôn biết rõ những món mà tôi thích ăn)
Định từ và định ngữ khác nhau như thế nào?
- Định từ chỉ bổ sung ý nghĩa cho một từ và giới hạn danh từ đó. Định từ cũng chỉ được cấu thành bởi một từ duy nhất. Ví dụ như 이, 그, 저, 새, 헌.
- Định ngữ bao gồm cả định từ, bổ sung ý nghĩa cho một từ và cho cả câu. Cấu thành định ngữ có thể là một từ (한, 새), một cụm từ (한국어 책) và cũng có thể là một ngữ (제가 좋아하는 것은).
Tổng kết
Định ngữ tiếng Hàn có phần phức tạp nhưng mà rất thú vị phải không? Đến với Trung tâm Ngoại ngữ Hà Nội, các bạn còn được tiếp xúc với nhiều dạng kiến thức thú vị và bổ ích hơn thế nữa. Học tiếng Hàn không khó. Cứ để Trung tâm Ngoại ngữ Hà Nội lo!