Học tốt tiếng Hàn, Kiến thức chung

Những đặc trưng về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn

Những đặc trưng về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn

Văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn có nhiều nét khác biệt so với Việt Nam. Nếu bạn đang có ý định làm việc hoặc định cư ở xứ sở kim chi, trước tiên bạn cần tìm hiểu và nắm rõ về văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin bổ ích bạn nhé. 

Văn hóa giao tiếp là gì? Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa giao tiếp là gì?

Văn hóa giao tiếp có thể hiểu là cách ứng xử, trò chuyện, đối đáp với những người xung quanh, được thể hiện qua từng cử chỉ, giọng điệu, thái độ, lời nói, hành vi… Văn hóa giao tiếp đúng chuẩn mực là khi bạn có thái độ thân thiện, cởi mở và chân thành với mọi người. Đặc biệt, bạn cần phải lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng quan điểm, ý kiến cá nhân của người khác.

văn hóa giao tiếp

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Hiểu một cách đơn giản, văn hóa doanh nghiệp chính là toàn bộ những đặc điểm, tính chất chung của các doanh nghiệp, công ty, là các giá trị cốt lõi và triết lý của doanh nghiệp trong quá trình hình thành và phát triển. Văn hóa doanh nghiệp còn được dùng để miêu tả cách nhân viên cảm nhận về doanh nghiệp, về công việc hiện tại và những định hướng cho bản thân trong tương lai. 

Mỗi công ty, doanh nghiệp được xem như là một phiên bản xã hội “thu nhỏ”. Mỗi người đều có những cá tính, đặc điểm riêng nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhân viên và cấp trên đều có chung lý tưởng trong kinh doanh, cùng nhau tạo lập và xây dựng nên giá trị của doanh nghiệp, làm nên nét độc đáo trong đời sống tinh thần của doanh nghiệp đó.

văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn thể hiện như thế nào?

Để nắm rõ hơn về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn, bạn có thể tìm hiểu cách người Hàn Quốc giao tiếp, ứng xử trong công ty và trong hoạt động kinh doanh.

Giao tiếp trong công ty

Văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn trong công ty được thể hiện qua cách chào hỏi với cấp trên và đồng nghiệp:

  • Người Hàn Quốc cực kỳ hạn chế gọi tên trực tiếp. Để thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng người khác, người Hàn thường gọi họ của nhau. 
  • Đối với đồng nghiệp, họ thường chào nhau bằng những cái gật đầu nhẹ nhàng. Khi gặp cấp trên, cấp dưới phải cúi đầu chào trước, cấp trên gật đầu đáp lại.

giao tiếp trong công ty

Giao tiếp trong hoạt động kinh doanh

Trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là khi tham gia các buổi họp hoặc ký kết hợp đồng, người Hàn Quốc thường chú trọng những điều dưới đây:

  • Ngoại hình là yếu tố cực kỳ quan trọng khi đánh giá tác phong chuyên nghiệp của nhân sự trong công ty. Vậy nên, nếu bạn làm việc tại các công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc, bạn cần phải ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng và lịch sự để tạo ấn tượng tốt với mọi người.
  • Luôn đến đúng giờ trong tất cả mọi công việc để thể hiện được tác phong chuyên nghiệp khi làm việc và tôn trọng những người khác.
  • Đón tiếp đối tác, khách hàng bằng thái độ cởi mở và thân thiện.
  • Khi xưng hô với đối tác cần tránh gọi thẳng tên. Thay vào đó, bạn hãy gọi bằng họ đi kèm với chức danh nghề nghiệp.
  • Luôn tập trung lắng nghe ý kiến, quan điểm ​​của khách hàng, đối tác và tìm hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc.

văn hóa giao tiếp trong kinh doanh

12 đặc trưng về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn

Dưới đây là 12 nét đặc trưng cơ bản về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn. Bạn có thể tham khảo và ghi nhớ những điều sau đây để áp dụng khi đi làm việc tại doanh nghiệp Hàn Quốc, hoặc có đối tác/khách hàng là người Hàn.

Văn hóa chủ kinh doanh là chủ sở hữu 

Chủ sở hữu doanh nghiệp thường là người trực tiếp vận hành hoạt động của doanh nghiệp đó. Đây cũng là điều cực kỳ phổ biến ở hầu hết các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, không chỉ riêng Hàn Quốc. Những vị trí cực kỳ quan trọng hoặc cấp cao nhất trong hội đồng quản trị không bao giờ được trao cho người ngoài. 

Ví dụ: Trong gia đình có cha là Chủ tịch công ty, con trai giữ vị trí Phó Tổng giám đốc, cháu trai là Trưởng phòng kinh doanh…

Nhược điểm của nét văn hóa này là có thể gây nên tình trạng chuyên quyền, độc đoán, hành động theo cảm tính và đánh mất nguồn nhân lực ưu tú từ bên ngoài.

Văn hóa chủ kinh doanh là chủ sở hữu

Văn hóa phục vụ, hay văn hóa “mô xi tà”

Cấp dưới có nhiệm vụ phải phục tùng, nghe theo sự chỉ đạo từ cấp trên. Cấp trên có quyền la mắng, trách móc và sai khiến cấp dưới làm việc theo ý mình. Điều này tương tự với mô hình vận hành theo cơ chế quản lý con người theo chiều dọc trong quân đội: Thượng mệnh hạ phục, kỷ luật kỷ cương nghiêm ngặt, lễ phép. 

Điều này cũng lý giải cho việc người lao động Hàn Quốc rất sợ bị cấp trên phê bình và khiển trách. Nếu không am hiểu rõ về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn, có thể bạn sẽ cho rằng cách hành xử này thiếu đi tính nhân văn, theo kiểu thượng đội hạ đạp.

Văn hóa phục vụ

Văn hóa trung thực 

Trung thực là đức tính cần có khi làm việc ở bất cứ đâu. Bạn cần phải thể hiện sự trung thực trong công việc cũng như trong ứng xử hằng ngày. Người Hàn Quốc cực kỳ ghét lời nói dối hoặc bao biện. Nếu phạm phải điều này, nhân sự có thể để lại ấn tượng xấu trong mắt đồng nghiệp, cấp trên và sẽ bị tẩy chay ở nơi làm việc.

Văn hóa tập thể

Trong văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn, mọi người thường đề cao chữ “công” hơn là chữ “tư”. Điều đó đồng nghĩa với việc, nhân viên phải hy sinh cái tôi cá nhân để hòa hợp với tập thể, tham gia các hoạt động chung của công ty như tiệc sinh nhật của đồng nghiệp, kỳ nghỉ mát… 

Dù đang trong thời gian xin nghỉ phép, nhân sự vẫn phải luôn ở trong tâm thế sẵn sàng làm việc nếu doanh nghiệp có việc đột xuất. Ngoài ra, trong trường hợp bạn đề nghị công ty tăng lương nhưng lại không được xét duyệt, bạn có thể thử thuyết phục công ty bằng cách nói rằng, công ty bên cạnh đã tăng lương cho nhân viên. Như vậy, đề nghị tăng lương của bạn sẽ sớm được xem xét.

Văn hóa tập thể

Văn hóa giới thiệu nhân sự, hay văn hóa chữ “duyên”

Đây là một nét đặc trưng cơ bản trong văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn. Bộ máy nhân sự của doanh nghiệp thường được xây dựng theo văn hóa “giới thiệu”. Ví dụ: Giới thiệu người thân trong gia đình, bạn cùng lớp, bạn đồng hương… đến ứng tuyển và làm việc cho doanh nghiệp.

Nhiều công ty Hàn Quốc đã cố gắng mở rộng chính sách tuyển dụng nhân sự bằng cách chiêu mộ thêm nhân tài bên ngoài nhưng không đem lại hiệu quả cao. Lý do là bởi vì những người không thuộc hệ thống này rất khó có thể hòa nhập tốt vào văn hóa nội bộ của doanh nghiệp.

Văn hóa cống hiến 

Văn hóa cống hiến không chỉ phổ biến ở các công ty Hàn Quốc mà còn là nét đặc trưng cơ bản ở hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Là một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, khối lượng công việc của người Hàn luôn ở top đầu thế giới. Ngoài thời gian 8 tiếng mỗi ngày ở văn phòng, nhân sự còn phải thường xuyên tăng ca, ở lại công ty để làm nhiều việc hơn. 

Chăm chỉ, nhiệt huyết và kiên trì là đức tính vốn có của người lao động Hàn Quốc. Nếu bạn không thể chịu được áp lực cao trong công việc thì nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định làm việc ở đất nước này.

Văn hóa nhân hòa 

Trong một tập thể, mỗi người sẽ có những tính cách và cá tính riêng biệt. Vì vậy, khó có thể tránh được những bất đồng, xích mích trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, trong những doanh nghiệp, công ty ở Hàn Quốc, các nhân sự vẫn có thể nhẫn nhịn, hoà thuận và cùng nhau làm việc, nhằm hướng đến giá trị cốt lõi và lợi ích chung của doanh nghiệp.

Đây là điều cực kỳ quan trọng mà bạn cần ghi nhớ khi quyết định làm việc cho các công ty Hàn Quốc. Hãy hạn chế tối đa việc gây gổ, làm mất lòng đồng nghiệp và cấp trên của mình. Nếu ai vi phạm thì sẽ phải nhận hình phạt của công ty.

Văn hóa bầy đàn

Hiện nay, hầu hết các công ty và doanh nghiệp tại Hàn Quốc đều tập trung đầu tư, kinh doanh theo nhóm. Họ liên kết chặt chẽ với nhau và cùng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của nhau. 

Đơn cử có thể kể đến trường hợp khu công nghiệp Minh Hưng ở tỉnh Bình Phước, Việt Nam. Đây là khu công nghiệp do Hàn Quốc rót vốn, vị trí xung quanh đây đều là các công ty của Hàn Quốc. Do đó, khu công nghiệp Minh Hưng được rất nhiều công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc cùng nhau đầu tư và phát triển.

Văn hóa “tài phiệt”

Văn hóa “tài phiệt” còn được gọi là văn hóa chaebol. Ở xứ sở kim chi, có một số tập đoàn, công ty, tổ chức được chính phủ đầu tư rót vốn để trở thành đầu tàu của nền kinh tế Hàn Quốc. Những công ty này được trao những quyền lực vô cùng đặc biệt, đồng thời họ cũng có mối quan hệ rất khăng khít với các chính trị gia và các doanh nghiệp khác. 

Đôi khi, chủ tịch của một công ty có thể có quyền hành lớn hơn cả những chính trị gia, hay thậm chí là nguyên thủ của một quốc gia. Vì vậy, rất khó để có thể can thiệp vào công việc nội bộ của một công ty ở Hàn Quốc.

Văn hóa “bali bali” (빨리- nhanh nhanh)

Văn hóa “bali bali”, hay còn được gọi là văn hóa “nhanh nhanh” thể hiện quy trình và tốc độ xử lý công việc nhanh chóng của nhân sự Hàn Quốc. Khi được lãnh đạo hoặc cấp trên giao phó một công việc, dự án quan trọng, họ sẽ cố gắng hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, nếu như đó không phải là công việc cần phải xử lý gấp, hoặc không được lãnh đạo yêu cầu thì họ thường trì hoãn và làm việc khá chậm.

Văn hóa đơn nhất

Văn hóa đơn nhất trong doanh nghiệp Hàn Quốc được thể hiện ở việc xem trọng tính đồng nhất, đồng thời loại bỏ các yếu tố khác biệt và ngoại lai. Các sản phẩm của doanh nghiệp luôn được ra mắt và vận hành theo một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Chính vì vậy, không dễ để các doanh nghiệp cạnh tranh ở bên ngoài tham gia vào hệ thống cung ứng và sản xuất của người Hàn Quốc. 

Có thể nói, đầu tư Hàn Quốc hiện nay đã góp phần giúp giải quyết những vấn đề việc làm và tình trạng thất nghiệp, còn việc chuyển giao kỹ thuật là điều hoàn toàn xa xỉ.

Văn hóa để ý

Trong văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn, nhân sự rất xem trọng những ý kiến và đánh giá của cấp trên về mình. Họ luôn lo lắng khi phải đối diện với những lời phê bình nhắc nhở của sếp, sự soi mói, bàn tán của đồng nghiệp ở sau lưng và cả những tác động từ bên ngoài.

Khi làm việc ở môi trường công sở, nhân sự thường lưu ý từ những điều nhỏ nhặt nhất: Nhân viên cấp dưới không được ăn mặc đẹp hơn cấp trên, không được tan làm trong khi cấp trên vẫn chưa về, không làm những điều đặc biệt khiến bản thân trở nên quá nổi bật hoặc lấn át đồng nghiệp và sếp…

Văn hóa để ý

Văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn Quốc và Việt Nam có gì khác biệt?

Mỗi quốc gia, khu vực đều có những đặc trưng riêng về văn hóa giao tiếp, ứng xử trong công việc cũng như trong cuộc sống. Do đó, văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn Quốc và Việt Nam cũng có một số điểm khác biệt như sau:

  • Đa số các công ty, doanh nghiệp ở Việt Nam thường có xu hướng làm việc theo giờ hành chính (từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày), và ít tăng ca hơn so với các công ty ở Hàn Quốc.
  • Văn hóa doanh nghiệp ở Hàn Quốc thiên về coi trọng tính tập thể. Trong khi đó, môi trường ở Việt Nam lại tập trung nhiều hơn vào sự phát triển của mỗi cá nhân.
  • Môi trường giao tiếp tại các doanh nghiệp, công ty Việt Nam thoải mái và không quá khắt khe như ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trau dồi, tích lũy thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn để phát triển nhanh hơn trong công việc thì có thể thử sức với môi trường làm việc tại Hàn Quốc.

Tùy theo nhu cầu, năng lực chuyên môn và khả năng hòa hợp với văn hóa doanh nghiệp mà nhân sự có thể cân nhắc lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với bản thân, từ đó đóng góp những giá trị cho sự phát triển của công ty.

Trên đây là một số nét đặc trưng về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của người Hàn mà Trung tâm Ngoại ngữ Hà Nội muốn chia sẻ đến bạn đọc. Chúc các bạn sớm tìm được công việc ưng ý và gặt hái thật nhiều thành công với sự lựa chọn của bản thân.

0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận